Ai dễ mắc bệnh sởi?
2024-08-16 HaiPress
Bác sĩ Nguyễn Tiến Đạo,Quản lý Y khoa,Hệ thống tiêm chủng VNVC,cho biết như trên,thêm rằng bệnh chủ yếu gặp ở trẻ em dưới 5 tuổi vì các em có hệ miễn dịch yếu hơn người lớn. Có hai đường lây sởi: tiếp xúc với người bệnh,người lành mang bệnh hoặc lây gián tiếp qua vật dụng,đồ chơi có dính dịch tiết của bệnh nhân ho,hắt hơi,sổ mũi.
Giải thích về nhóm nguy cơ mắc bệnh sởi,bác sĩ Đạo nêu cụ thể dưới đây:
Trẻ chưa tiêm vaccine hoặc tiêm chưa đủ mũi
Bệnh sởi lây mạnh hơn cúm và Covid-19,mỗi bệnh nhân sởi có thể lây cho 12-18 người không có miễn dịch. Trẻ em chưa có miễn dịch từ vaccine hoặc tiêm chưa đủ mũi dễ nhiễm mầm bệnh khi tiếp xúc gần ca sởi hoặc chạm vào nơi nhiễm virus rồi đưa tay lên mặt. Khi đó,trẻ trở thành "cầu nối" lây nhiễm cho những người xung quanh,bao gồm người lớn chưa được chủng ngừa trước đây,trẻ chưa đến tuổi chỉ định tiêm ngừa sởi và cả những người đã tiêm ngừa đủ hai mũi.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO),chỉ khi tỷ lệ miễn dịch trong cộng đồng đạt trên 95% với hai liều vaccine,dịch bệnh sởi mới có thể được kiểm soát. Tuy vậy,tại TP HCM,Sở Y tế ghi nhận tỷ lệ bao phủ vaccine mũi một cho trẻ sinh năm 2023 trên toàn thành phố chỉ hơn 89%. Chưa quận huyện nào đạt 95%. Thành phố triển khai giải pháp tiêm bù,tiêm bổ sung vaccine ngừa sởi và bảo vệ nhóm nguy cơ mắc sởi cao,ngăn bệnh lan rộng.
Trẻ mắc sởi có các dấu hiệu sốt,viêm long đường hô hấp,đường tiêu hóa và kết mạc mắt rồi nổi ban. Ảnh: Vecteezy
Trẻ mang bệnh nền
Nhóm có bệnh nền tim mạch,phổi,thận hoặc có bệnh nền gây suy giảm miễn dịch,bệnh ác tính,cần được quan tâm trong bối cảnh ca bệnh và nghi nhiễm sởi gia tăng. Lý do,virus sởi gây ra tình trạng ức chế miễn dịch tạm thời,tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội. Kết hợp với bệnh lý nền sẵn có,bệnh nhi sởi dễ trở nặng,nguy cơ biến chứng,tử vong cao.
Biến chứng thường gặp của sởi là bệnh đường hô hấp,chủ yếu viêm phổi. Ngoài ra,một số trẻ có thể viêm ruột,nhiễm trùng máu,viêm loét giác mạc,thậm chí sốt,co giật nặng dẫn đến viêm não. Hệ lụy là sau khi mắc bệnh trẻ có thể suy dinh dưỡng,sức đề kháng kém,dễ mắc các bệnh khác.
Không vệ sinh cá nhân,nơi sống
Virus gây bệnh sởi lây truyền qua đường hô hấp,thông qua các giọt bắn khi ho,nói chuyện. Mầm bệnh có khả năng hoạt động,lây lan trong không khí hoặc bề mặt tới hai tiếng. Trẻ em thường bò,lẫy trên bề mặt sàn nhà hoặc cầm nắm đồ vật,đồ chơi và đưa tay chạm lên mắt,mũi,miệng. Vì vậy nguy cơ mắc sởi tăng lên nếu trẻ vệ sinh kém,không gian sống không được làm sạch,không khử khuẩn đồ chơi và các bề mặt như sàn nhà,tay nắm cửa.
Thường xuyên đến nơi đông người
Nguồn lây bệnh sởi có thể ở mọi nơi. Người lớn mắc sởi thường có triệu chứng nhẹ,không sốt cao và gây mệt mỏi như ở trẻ nhỏ,dễ nhầm với sốt siêu vi hoặc sốt phát ban thông thường. Họ vẫn đi học,đi làm hoặc di chuyển nhiều nơi,tiếp xúc nhiều người và trở thành nguồn lây bệnh.
Ngoài ra,sởi ủ bệnh khoảng 12-21 ngày,sau đó mới phát ban. Tuy nhiên,mầm bệnh lây truyền từ người sang người trước khi phát ban,khó cách ly để kiểm soát lây lan.
Từ ngày 23/5 đến nay,các bệnh viện TP HCM ghi nhận 597 ca sốt phát ban nghi sởi. Trong một tháng qua,3 trẻ bệnh sởi tử vong. Tình hình này được Sở Y tế TP HCM đánh giá là nghiêm trọng,bởi ba năm qua thành phố không ghi nhận ca sởi nhập viện. Sở cũng đề xuất UBND thành phố công bố dịch sởi.
Cánh tay phát ban ở người mắc sởi. Ảnh: Telegraph
Sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus sởi gây ra,đường lây chính từ người sang người qua đường hô hấp. Virus sởi lây truyền nhanh chóng,dễ gây thành dịch. Biểu hiện là sốt,đường tiêu hóa và kết mạc mắt kèm nổi ban đặc trưng.
Trẻ mắc sởi cần cách ly điều trị tại nhà,tắm rửa sạch sẽ,mặc đồ thoáng mát,chia làm nhiều cữ ăn,uống nhiều nước. Không nên kiêng tắm,bởi có thể khiến trẻ khó chịu,dễ nhiễm trùng. Uống thuốc,tái khám theo lịch hẹn của bác sĩ. Bệnh có thể điều trị tại các bệnh viện tuyến dưới,không cần đến cơ sở tuyến cuối gây quá tải,dễ lây nhiễm chéo.
Tiêm chủng là cách hiệu quả nhất trong phòng ngừa và giảm các biến chứng nặng do sởi ở trẻ em,người lớn. "Hiệu quả vaccine lên đến 98% khi tiêm đủ hai mũi",bác sĩ Đạo nói.
Hiện,Việt Nam sử dụng ba loại vaccine sởi gồm mũi sởi đơn,mũi kết hợp phòng sởi và rubella hoặc quai bị và rubella. Mỗi trẻ cần chủng ngừa tối thiểu hai mũi,khoảng cách giữa các mũi có sự khác nhau dựa theo loại vaccine,độ tuổi. Bác sĩ Đạo khuyến cáo gia đình cần kiểm tra sổ tiêm ngừa để chủ động bổ sung các mũi còn thiếu cho con. Trường hợp không rõ lịch sử tiêm chủng,bác sĩ sẽ tư vấn cụ thể.
Đối với trẻ dưới 9 tháng (chưa đủ tuổi tiêm phòng),Cục Y tế Dự phòng khuyến cáo chỉ tiêm chủng khi có chỉ đạo và trong trường hợp cần thiết. Hiện,theo thông tin kê toa từ nhà sản xuất,MVVAC (Việt Nam) và MMR II (Mỹ) có thể tiêm cho trẻ dưới 9 tháng khi có dịch. Đến 9 hoặc 12 tháng tuổi,trẻ vẫn cần hoàn thành lịch tiêm cơ bản theo khuyến cáo của Bộ Y tế.
Phụ nữ chủng ngừa vaccine sởi trước khi mang thai tốt nhất ba tháng. Vaccine sẽ giúp bảo vệ mẹ trong quá trình mang thai,truyền kháng thể thông qua nhau thai,bảo vệ em bé trong 6 tháng đầu đời. Thành viên trong gia đình cũng được khuyến cáo tiêm ngừa và chủ động phòng bệnh,tránh lây nhiễm cho trẻ nhỏ. Người không rõ lịch sử chủng ngừa,tiêm hai mũi sởi - quai bị - rubella cách nhau một tháng.
Trẻ tiêm vaccine phối hợp ngừa sởi - quai bị - rubella tại VNVC Hoàng Văn Thụ (TP HCM) ngày 14/8. Ảnh: Tấn Ngọc
Bác sĩ Đạo khuyên gia đình tuân thủ đầy đủ khuyến cáo của ngành y tế,đồng thời kết hợp thêm các biện pháp: vệ sinh tay thường xuyên; không đưa tay lên mắt,miệng; sử dụng khẩu trang và nước sát khuẩn tay khi ở khu vực đông người. Gia đình,nhà trường không cho trẻ ăn chung,dùng chung dụng cụ ăn uống để tránh nhiễm sởi và các bệnh qua đường hô hấp khác.
Mộc Thảo
Độc giả đặt câu hỏi tư vấn vaccine để bác sĩ trả lời tại đây.