Cách chăm sóc móng chân cho người tiểu đường
2024-09-12 HaiPress
Đặc trưng của bệnh tiểu đường là tình trạng tăng đường huyết mạn tính,do suy giảm tế bào beta tuyến tụy hoặc do đề kháng insulin (hormone điều hòa lượng đường trong máu).
Móng tay và móng chân được tạo từ chất sừng và phát triển liên tục suốt đời. Tốc độ phát triển của móng có thể bị ảnh hưởng bởi một số yếu tố như tuổi tác,thuốc,bệnh lý tại chỗ hoặc toàn thân. Người bệnh tiểu đường không kiểm soát tốt đường huyết có nguy cơ phát triển biến chứng tim mạch,thần kinh,mạch máu,mắt,thận...
Các tổn thương ở móng hay biến dạng ở móng khiến người bệnh có khả năng cao nhiễm trùng chân. Chăm sóc móng chân cho người tiểu đường đóng vai trò quan trọng để phòng biến chứng. Bác sĩ Nguyễn Thị Kim Tuyền,khoa Nội tiết - Đái tháo đường,Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM,hướng dẫn một số cách sau:
Cắt móng ngang nhằm hạn chế cọ xát móng vào da của chân còn lại,tránh cắt góc nhọn làm tổn thương chân. Người bệnh không cần cân chỉnh kìm cắt móng quá nhiều khi cắt móng ngang,dễ thực hiện.
Mài nhẵn được thực hiện sau khi cắt móng. Phần móng bị cắt đi nếu cứa vào da có thể gây xây xước da. Do đó,mài nhẵn móng chân giúp chúng không có khả năng làm tổn thương da khi bị cọ xát.
Rửa chân sạch và lau khô có tác dụng làm sạch các móng chân,phòng vi khuẩn xâm nhập. Sau khi rửa chân,người bệnh nên lau khô chân để tránh ẩm ướt,dễ dẫn đến nấm móng chân.
Quan sát móng chân hàng ngày để phát hiện sớm các bất thường ở móng,khám và xử lý kịp thời phòng ngừa biến chứng. Bác sĩ Tuyền khuyến cáo người bệnh tiểu đường có thể tự chăm sóc móng chân tại nhà khi chúng bình thường,tức không có các biến đổi,biến dạng về móng.
Bác sĩ mài móng chân bị dày sừng và xử lý móng quặp cho người bệnh tiểu đường. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh
Không cắt da chết bởi chân người bệnh tiểu đường chịu tác động của các biến chứng rối loạn chuyển hóa,biến chứng mạch máu nhỏ - lớn,thần kinh.... Các tác động này khiến các vết thương ở chân lâu lành,dễ nhiễm trùng,loét rộng,hoại tử. Tự cắt da chết có khả năng làm tổn thương da chân,gây chảy máu,tạo cơ hội cho vi khuẩn xâm nhập dẫn đến nhiễm trùng.
Không lấy khóe móng chân vì dễ tạo ra vết thương hở ở móng chân. Một số trường hợp có khóe móng sâu,nếu lấy khóe có thể bị chảy máu,dẫn đến nhiễm trùng,loét chân. Người có tình trạng móng chân dày sừng,móng quặp,nấm móng... cần tới cơ sở y tế để được bác sĩ chăm sóc móng. Tại bệnh viện,quy trình được vô khuẩn,tránh nhiễm trùng chân.
Để phòng biến chứng bàn chân tiểu đường,bác sĩ Tuyền khuyến cáo người bệnh nên khám tầm soát biến chứng bàn chân tiểu đường thường xuyên,ít nhất hai lần mỗi năm. Bác sĩ kiểm tra các tình trạng mạch máu,da,móng,chai chân... cho người bệnh nhằm có phương pháp điều trị kịp thời.
Đinh Tiên
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tiểu đường tại đây để bác sĩ giải đáp