Lý do bệnh sốt xuất huyết biến chứng ở người lớn
2024-10-22 HaiPress
Ngày 22/10,BS.CKI Bạch Thị Chính,Giám đốc Y khoa,Hệ thống tiêm chủng VNVC,cho biết như trên,thêm rằng khả năng người lớn gặp biến chứng do sốt xuất huyết cũng cao như trẻ em.
Trong đó,nguyên nhân phổ biến là mọi người tự điều trị truyền dịch và uống thuốc không theo chỉ định của bác sĩ. Tự ý truyền dịch tại nhà tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ do các vấn đề vệ sinh,liều lượng sử dụng không được đảm bảo. Người bệnh có thể bị quá tải dịch gây phù phổi cấp,suy tim cấp,rối loạn điện giải,nhiễm trùng,hoặc phản ứng dị ứng liên quan đến truyền dịch.
Tự điều trị sốt xuất huyết tại nhà sẽ dẫn đến nhiều biến chứng. Ảnh: Vecteezy
Như năm 2023,Hà Nội ghi nhận một ca tử vong do tự ý uống thuốc và truyền dịch tại nhà khi mắc sốt xuất huyết. Bệnh nhân 20 tuổi,triệu chứng sốt cao,mệt mỏi,đau nhức nhưng tự mua thuốc và truyền dịch tại nhà. Khi nhập viện,bệnh nhân trong tình trạng nguy kịch,được điều trị tích cực nhưng không qua khỏi.
Bệnh nền là một yếu tố nguy cơ quan trọng làm tăng khả năng biến chứng khi mắc sốt xuất huyết. Virus sốt xuất huyết gây ra các phản ứng viêm,rối loạn miễn dịch trong cơ thể,ảnh hưởng đến chức năng các cơ quan,từ đó có thể làm bệnh nền trở nặng hoặc mắc biến chứng.
Bản thân sốt xuất huyết có thể gây ra rối loạn đông máu. Trong khi đó,những người bệnh nền như tiểu đường,tim mạch,bệnh phổi mạn tính... thường có sức đề kháng yếu hơn,dễ bị suy yếu chức năng các cơ quan,dẫn đến nguy cơ biến chứng nặng như suy đa tạng,xuất huyết nặng,thậm chí tử vong. Ví dụ,người bệnh tiểu đường khi mắc sốt xuất huyết thường gặp khó khăn trong việc kiểm soát đường huyết do sốt cao ảnh hưởng đến chuyển hóa glucose,từ đó làm tăng nguy cơ nhiễm trùng,biến chứng tim mạch,thận...
Bên cạnh đó,người bệnh khi tái nhiễm sốt xuất huyết lần thứ hai có nguy cơ gặp hiện tượng tăng cường phụ thuộc kháng thể (ADE). Hiện tượng này xảy ra khi kháng thể từ lần nhiễm trước liên kết với type virus mới nhưng không trung hòa được virus,ngược lại còn tạo điều kiện cho virus xâm nhập vào tế bào dễ dàng hơn,làm tăng số lượng virus trong cơ thể,gây ra phản ứng viêm mạnh mẽ,dẫn đến bệnh diễn biến nặng hơn. Ngoài ra,một số yếu tố khác khiến tái nhiễm sốt xuất huyết trở nặng,bao gồm: độ tuổi,tình trạng sức khỏe và type virus.
So với trẻ em,sốt xuất huyết ở người lớn cũng có triệu chứng khác biệt,thời gian sốt kéo dài trên một tuần kèm theo các triệu chứng như xuất huyết dưới da,chảy máu mũi,đi ngoài ra máu...
Nhiều cơ quan y tế cũng ghi nhận số ca bệnh trở nặng chủ yếu ở người lớn.Theo thống kê năm 2022 của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP HCM (HCDC),75% ca tử vong do sốt xuất huyết trên địa bàn là người lớn.
Tháng 8 vừa qua,Sở Y tế Hải Phòng báo cáo một trường hợp sinh năm 1979 tử vong tại nhà riêng vì sốc sốt xuất huyết Dengue,dẫn đến viêm phổi nặng,bội nhiễm kèm theo suy đa tạng. CDC tỉnh Quảng Bình ghi nhận một trường hợp tử vong,nạn nhân là người đàn ông sinh năm 1960,bị sốc sốt xuất huyết dẫn đến viêm phổi,viêm cơ tim,đồng tử 2 bên phản xạ kém,mạch,huyết áp khó đo.
Người dân chủ động đến VNVC tiêm vaccine phòng sốt xuất huyết trong bối cảnh bệnh gia tăng vào mùa mưa. Ảnh: An Nhiên
Bác sĩ Chính lưu ý,người dân tuyệt đối không nên chủ quan khi có các triệu chứng nghi ngờ sốt xuất huyết,không tự ý điều trị tại nhà bằng các phương pháp dân gian như cạo gió,xông hơi,hoặc tự mua thuốc uống. Những cách làm này không có tác dụng điều trị sốt xuất huyết,thậm chí có thể gây hại và làm bệnh diễn biến nặng hơn.
Bệnh nhân sốt xuất huyết chỉ nên sử dụng thuốc hạ sốt paracetamol theo chỉ định của bác sĩ; không tự ý sử dụng thuốc giảm đau,chống viêm nhóm NSAID như ibuprofen,aspirin,để tránh tăng nguy cơ xuất huyết.
Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm có thể gây biến chứng nặng,thậm chí tử vong. Do đó,người bệnh cần đến cơ sở y tế để được bác sĩ khám,chẩn đoán và điều trị kịp thời. Việc xác định mức độ bệnh là rất quan trọng để bác sĩ đưa ra chỉ định phù hợp.
Trong một số trường hợp,người bệnh có thể được điều trị ngoại trú tại nhà nếu có các triệu chứng nhẹ,không mất nước,không có yếu tố nguy cơ và tuân thủ đúng hướng dẫn của bác sĩ. Người bệnh cần nhập viện ngay khi có dấu hiệu cảnh báo như li bì,nôn ói nhiều,đau bụng dữ dội,chảy máu cam,chảy máu chân răng; hoặc có triệu chứng sốc như: chân tay lạnh,da lạnh ẩm,mạch nhanh nhỏ,huyết áp tụt...
Hiện nay,tiêm vaccine phòng sốt xuất huyết là một trong những biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất. Vaccine đã được Bộ Y tế phê duyệt,giúp bảo vệ khỏi 4 type huyết thanh của virus sốt xuất huyết,bao gồm Den-1,Den-2,Den-3 và Den-4 được chỉ định tiêm cho trẻ từ 4 tuổi trở lên và người lớn. Ngoài ra,mọi người nên chủ động phòng tránh muỗi đốt,sử dụng màn ngủ ngay cả ban ngày,xịt chống muỗi,vệ sinh môi trường sống xung quanh,loại bỏ các vật chứa nước đọng...
Xuân Ngọc
Độc giả đặt câu hỏi tư vấn vaccine tại đây để bác sĩ trả lời.