Cây cau giống cháy hàng khi giá lập đỉnh
2024-10-23 HaiPress
Những ngày qua,Hợp tác xã nông nghiệp hữu cơ Đất Quảng,xã Tiên Cảnh,huyện Tiên Phước liên tục nhận cuộc gọi hỏi mua cây cau giống. Tuy nhiên,hàng đã hết từ cách đây một tháng.
Hợp tác xã nông nghiệp hữu cơ Đất Quảng mỗi năm ươm từ 300.000-500.000 cây cau giống để bán tại Quảng Nam và nhiều tỉnh thành miền Trung,Tây Nguyên. Mỗi năm sau Tết Nguyên đán,khi quả chín đỏ là thời điểm chủ vườn hái đưa về ươm. Sau 8-10 tháng,cây cau phát triển sẽ được bán ra thị trường.
Anh Nguyễn Văn Thành,Giám đốc hợp tác xã nông nghiệp hữu cơ Đất Quảng. Ảnh: Đắc Thành
Tại miền Trung,vụ trồng cau giống từ tháng 8-10 hàng năm. Đây là đầu mùa mưa,cây cau trồng xuống tỷ lệ sống cao. "Chưa năm nào cây cau giống tiêu thụ nhanh như năm nay,giá cao gấp ba đến bốn lần so với năm trước",anh Nguyễn Văn Thành,Giám đốc Hợp tác xã hữu cơ Đất Quảng,nói.
Năm trước,cùng thời điểm,hợp tác xã này còn tồn đọng gần 200.000 cây cau giống. Với giá 5.000 đồng một cây,mua trên 100 cây được hợp tác xã chuyển đến tận vườn nhưng bán rất chậm. Trong khi đó,năm nay,thương lái thu mua 50.000 đồng một kg quả,cây giống được săn lùng mua số lượng lớn.
Quả cau tăng giá kéo theo giá cây cau giống nhảy vọt. Đầu tháng 8,hợp tác xã bán 10.000 đồng,đến giữa tháng 9,giá lên 20.000 đồng một cây. Hiện còn 40.000 cây nhưng các đại lý đã đặt cọc mua cây giống từ lúc giá 15.000 đồng một cây. Anh Thành tỏ ra tiếc nuối khi cau tươi lập đỉnh 104.000 đồng một kg,25.000 đồng một cây giống nhưng hợp tác xã không có để bán.
Để chuẩn bị cho vụ cau giống tiếp theo,hợp tác đã đặt nhà vườn mua quả cau chín 60.000 đồng một kg khi giá thị trường 50.000 đồng. "Không riêng gì tại Quảng Nam,vườn ươm ở các tỉnh khác cũng khan hiếm cây cau giống",anh nói,thêm rằng cây cau cần 5-7 năm mới cho trái,nếu chọn không đúng giống,người dân sẽ bị thiệt hại về kinh tế.
Người dân mua cau giống về trồng. Ảnh: Đắc Thành
Cũng tại huyện Tiên Phước,bà Nguyễn Thị Bình,chủ vườn ươm cây cau giống xã Tiên Lãnh,đã bán hết 20.000 cây cau giống với giá 16.000 đồng một cây,cách đây hơn một tháng. "Người mua đến hỏi quá trời nhưng hết hàng,giá mỗi cây 25.000 đồng họ cũng mua nhưng không có để bán",bà nói.
Ông Hồ Văn Tuấn,xã Trà Tập,huyện Nam Trà My,kể đã đi 60 km đến huyện Tiên Phước tìm mua 200 cây cau giống về trồng trên nương rẫy. Ông đi nhiều vườn ươm hỏi mua nhưng hết hàng. Tìm đến các nhà nhà dân lùng mua giá 25.000 một cây nhưng họ không bán mà để trồng.
"Tôi đi khắp nơi hỏi mua hết giống cau gốc Quảng Nam chỉ còn lại giống cau nơi khác đưa về. Mua loại cau nơi khác về trồng sẽ không hợp khí hậu,thổ nhưỡng không cho quả",ông nói,cho hay đành chờ đến cuối năm quả cau chín cây mua về tự ươm lấy giống trồng.
Toàn tỉnh Quảng Nam có hơn 1.000 ha trồng cau,tập trung ở huyện Tiên Phước,Bắc Trà My. Sản lượng bình quân đạt gần 8.000 tấn một năm. Vụ thu hoạch cau từ tháng 8 đến 12. Năm nay đầu vụ giá 50.000 đồng kg quả,đến ngày 10/10 tăng lên 104.000 đồng một kg. Sau năm ngày lập đỉnh cau xuống giá,nay dao động còn 60.000-70.000 đồng một kg và đang có xu hướng giảm xuống.
Đắc Thành