Close

Phát hiện nơi làm muối của người Sa Huỳnh cổ 2.000 năm trước

2024-07-12 HaiPress

Trảng muối vừa được phát hiện hôm 10/7,trong quá trình TS Đoàn Ngọc Khôi,Phó Giám đốc Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Quảng Ngãi khảo sát di tích khảo cổ của Văn hóa Sa Huỳnh - nơi được công nhận là Di sản văn hóa quốc gia.

Trảng muối nằm giữa biển và núi,bên làng Gò Cỏ,thuộc xã Phổ Thạnh,thị xã Đức Phổ. Khu vực này cách nơi cư trú của người Sa Huỳnh cổ khoảng 800 m và cách nơi có mộ táng 500 m.

Vị trí nơi phát hiện trảng muối cổ của người Sa Huỳnh. Ảnh: Đoàn Ngọc Khôi

Kỹ thuật làm muối trên đá tại làng Gò Cỏ rất độc đáo. Khi thủy triều dâng lên,nước biển chảy đầy các ô chứa,sau đó được phơi nắng để tăng độ mặn. Nước biển được múc từ những ô chứa này đổ lên các bề mặt lõm trên đá và liên tục thêm nước để tăng độ dày cho muối. Sau khoảng một tuần,mỗi "ruộng muối" có thể thu hoạch được từ 2-3 kg.

Theo TS Đoàn Ngọc Khôi,truyền thống làm muối đã được kế tục từ thời Sa Huỳnh,qua thời Champa và Đại Việt. Hiện vẫn còn một số hộ dân tại xóm Cỏ thực hành cách làm muối của tổ tiên. Muối được sản xuất trên đá bazan ở đây rất trắng,sạch,với tinh thể lấp lánh,vị mặn vừa phải và có hậu ngọt. Đây được xem là một phát hiện quan trọng,góp phần làm rõ kỹ thuật làm muối của người tiền sử.

Người dân làng Gò Cỏ vẫn giữ kỹ thuật làm muối trên đá của tổ tiên. Ảnh: Đoàn Ngọc Khôi

Trong nghiên cứu về văn hóa Sa Huỳnh,các nhà khảo cổ luôn quan tâm đến kỹ thuật làm gốm và muối của cư dân cổ. Trước đây,chỉ có những di tích mộ chum và di tích Long Thạnh được khai quật,chưa từng phát hiện dấu vết về nghề làm muối. Tuy nhiên,phát hiện này đã cung cấp thêm bằng chứng về 3 phương pháp làm muối của cư dân Sa Huỳnh: phơi nước biển trên đá tạo muối kết tinh,nấu nước biển làm muối trong các nồi gốm,và làm muối trên các cánh đồng.

Hiện,các nhà nghiên cứu tiếp tục thu thập mẫu hiện vật để sử dụng phương pháp phân tích trong phòng thí nghiệm,nhằm xác định niên đại chính xác của nghề làm muối. Việc phân tích bao gồm: các mẫu sò thu thập được tại trảng muối hoặc phân tích thạch học để hiểu rõ cấu trúc mặt nền của trảng muối,độ mài mòn của đá. Bên cạnh đó,việc phân tích thành phần hóa học của muối trên đá cũng sẽ cung cấp thông tin về các nguyên tố chứa trong muối.

Muối kết tinh trên đá ở làng Gò Cỏ. Ảnh: Đoàn Ngọc Khôi

TS Khôi cho biết việc phát hiện trảng muối cổ này chứng minh người tiền sử ở Việt Nam đã nắm bắt kỹ thuật làm muối từ rất sớm. Cách làm muối của người Sa Huỳnh cổ tương đồng với phương pháp làm muối (phơi nước biển trên đá) tại đồng muối cổ Dương Phố (Hải Nam,Trung Quốc),có niên đại khoảng năm 800 sau Công nguyên.

Cũng theo lãnh đạo Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Quảng Ngãi,việc khảo cổ nơi làm muối,con đường cổ,nơi nghỉ ngơi của người Sa Huỳnh cổ cùng những hiện vật liên quan đã được phát hiện trước đó sẽ bổ sung quan trọng cho hồ sơ đề nghị công nhận Di sản thế giới đối với Di tích Khảo cổ văn hóa Sa Huỳnh.

Phạm Linh

Tuyên bố miễn trừ trách nhiệm: Bài viết này được sao chép từ các phương tiện khác. Mục đích của việc in lại là để truyền tải thêm thông tin. Điều đó không có nghĩa là trang web này đồng ý với quan điểm của nó và chịu trách nhiệm về tính xác thực của nó và không chịu bất kỳ trách nhiệm pháp lý nào. Tất cả tài nguyên trên trang web này được thu thập trên Internet. Mục đích chia sẻ chỉ dành cho việc học và tham khảo của mọi người. Nếu có vi phạm bản quyền hoặc sở hữu trí tuệ, vui lòng để lại tin nhắn cho chúng tôi.
© Bản quyền 2009-2020 Báo kinh tế việt nam      Liên lạc với chúng tôi   SiteMap