Close

Trưởng Văn phòng Quỹ Hòa bình Hàn - Việt: 'Nạn nhân vụ thảm sát kiện không phải vì tiền'

2025-01-20 HaiPress

Đồng hành với bà Nguyễn Thị Thanh,65 tuổi,trong vụ kiện chính phủ Hàn Quốc vì vụ lính Đại Hàn thảm sát 74 dân thường ở làng Phong Nhất - Phong Nhị (Quảng Nam) năm 1968,ông Kwon Hyun Woo trả lời VnExpress xung quanh phán quyết của Tòa án Trung tâm quận Seoul ngày 17/1.

- Cảm xúc của ông và Quỹ Hòa bình Hàn - Việt khi biết phán quyết của tòa án buộc chính phủ Hàn Quốc bồi thường cho bà Nguyễn Thị Thanh 30 triệu won (hơn 500 triệu đồng) và các khoản bồi thường thiệt hại do chậm trễ?

- Tôi từng nghĩ khả năng thắng kiện rất cao bởi nguyên đơn đã thắng tại phiên sơ thẩm. Nhưng tôi cũng lo lắng nguyên đơn có thể thất bại do các vấn đề pháp lý như thời hiệu khởi kiện hết hạn vì vụ thảm sát xảy ra 57 năm rồi.

Cuối cùng Tòa phúc thẩm đã thừa nhận vụ thảm sát,thừa nhận tất cả trách nhiệm của chính phủ Hàn Quốc. Nội dung bản án phúc thẩm chi tiết và nghiêm khắc hơn bản án sơ thẩm. Tôi vô cùng vui mừng,cho rằng nguyên đơn bà Nguyễn Thị Thanh thắng kiện hoàn hảo.

Ông Kwon Hyun Woo (bìa trái) gọi điện từ Hàn Quốc để thông báo cho bà Thanh qua màn hình máy tính về kết quả phiên tòa phúc thẩm,ngày 17/1/2025. Ảnh: NVCC

- Người Hàn Quốc phản ứng thế nào với phán quyết đó?

- Vụ kiện của bà Thanh thực chất rất khó xử. Vì vậy khi nguyên đơn thắng kiện tại phiên sơ thẩm tháng 2/2023 mọi người đều bất ngờ và gia tăng sự quan tâm đến vấn đề thảm sát trong chiến tranh Việt Nam. Tại phiên tòa phúc thẩm,nhiều báo chí Hàn Quốc đã đưa tin.

Lần này không có phản ứng đáng ngạc nhiên như phiên tòa sơ thẩm,nhưng nhiều người vui mừng. Sự quan tâm của báo chí đối với vấn đề thảm sát thường dân Việt Nam càng nhiều thì thế hệ trẻ ngày càng quan tâm hơn.

- Ông nhìn nhận thế nào về mức bồi thường với bà Thanh?

- Dường như báo chí Việt Nam không biết vì sao lại có mức bồi thường 30 triệu won. Để nhận được bản án trong tố tụng dân sự,tiền bồi thường phải vượt quá 30.000.000 won. Nguyên đơn và đoàn luật sư yêu cầu bồi thường mức tối thiểu để nhận bản án,vì thế đưa ra con số 30.000.100 won.

Thực ra có thể yêu cầu bồi thường nhiều hơn,nhưng vụ kiện của bà Thanh mục đích chủ yếu là làm sáng tỏ vụ thảm sát và trách nhiệm của chính phủ Hàn Quốc. Thực tế trong quá trình tố tụng,bà Thanh kêu gọi tòa án làm rõ sự thật hơn bất cứ điều gì. Bà hy vọng thông qua chiến thắng của mình,chính phủ Hàn Quốc sẽ thực hiện trách nhiệm với hàng nghìn nạn nhân khác.

Ông Kwon Hyun Woo (tên Việt Nam là Vũ),nắm tay nhân chứng Trần Thị Thú,người làng Hà My,Quảng Nam trong lễ tưởng niệm ngày 14/2/2023. Ảnh: Nguyễn Đông

- Hơn 4 năm đồng hành với nạn nhân vụ kiện,thời khắc nào ông thấy áp lực nhất?

- Khó khăn nhất là nguyên đơn,bà Nguyễn Thị Thanh. Bà thường lo lắng và bất an về vụ kiện. Khi chính phủ Hàn Quốc kháng cáo,bà cảm thấy vô cùng phẫn nộ,cũng mệt mỏi vì vụ kiện kéo dài gần 5 năm. Ngoài ra,nhiều người nói vụ kiện nhằm đòi bồi thường khiến bà Thanh tổn thương,cô đơn.

Chúng tôi và các luật sư Hàn Quốc Nhóm đặc trách làm sáng tỏ sự thật thảm sát thường dân Việt Nam của quân đội Hàn Quốc,thuộc Hiệp hội Luật sư vì xã hội dân chủ,đều biết rõ bà Thanh muốn làm gì thông qua vụ kiện. Mỗi khi nghe câu chuyện của bà,chúng tôi luôn cảm thấy bà khao khát được làm sáng tỏ vụ thảm sát hơn bất cứ điều gì.

May mắn gia đình và thân nhân nạn nhân luôn ủng hộ bà Thanh. Dù xa cách,nhờ sự giúp đỡ của bạn bè và luật sư Hàn Quốc,bà vẫn có thể tiếp tục đấu tranh,vượt qua những hiểu lầm và định kiến. Bà hy vọng cuộc đấu tranh pháp lý của mình sẽ tác động tích cực đến thân nhân nạn nhân thảm sát Phong Nhất - Phong Nhị cũng như các nạn nhân khác ở Quảng Nam và miền Trung Việt Nam.

Bà Nguyễn Thị Thanh - nạn nhân sống sót trong cuộc thảm sát ngồi giữa đại biểu Quốc hội Hàn Quốc Kim Hyun Kwon (bìa trái) và Chủ tịch Quỹ Hòa bình Hàn - Việt Kang U Il (bìa phải),tại lễ tưởng niệm vụ thảm sát Hà My,Quảng Nam,tháng 3/2018. Ảnh: Nguyễn Đông

- Số nạn nhân bị thảm sát rất lớn,nhưng hiện tòa án mới bồi thường một người khởi kiện là bà Thanh. Quỹ Hòa bình Hàn Việt và nhóm tham gia phong trào Xin lỗi Việt Nam có dự định gì tiếp theo?

- Các nạn nhân của tất cả vụ thảm sát rất khó khởi kiện do không có nhiều bằng chứng pháp lý. Vì vậy từ năm 2020,nhiều đoàn thể xã hội Hàn Quốc và đoàn luật sư đã yêu cầu Quốc hội ban hành luật đặc biệt để điều tra sự thật về các tội ác chiến tranh của quân đội Hàn Quốc trong chiến tranh Việt Nam. Nếu luật đặc biệt được ban hành,một ủy ban sẽ được thành lập để điều tra sự thật và sau đó có thể xem xét vấn đề thực hiện trách nhiệm của chính phủ Hàn Quốc.

- Để hàn gắn vết thương chiến tranh,hướng tới tương lai,theo ông chính phủ,nhân dân hai nước cần làm gì?

- Người dân Hàn Quốc và Việt Nam phải đoàn kết với các nạn nhân chiến tranh để lắng nghe tiếng nói của họ,tiếp tục cuộc đấu tranh để thay đổi thế giới. Để giải quyết những vấn đề chiến tranh để lại thì không chỉ tiến hành trên mặt trận chính trị,ngoại giao mà còn là văn hóa,giáo dục,nghề nghiệp,du lịch,cuộc sống hàng ngày của chúng ta.

Bà Nguyễn Thị Thanh mất gia đình trong vụ thảm sát năm 1968 của lữ đoàn thủy quân lục chiến số 2 Hàn Quốc,tại làng Phong Nhất - Phong Nhị (Điện Bàn,Quảng Nam). Bà Thanh khi đó 8 tuổi,bị thương ở bụng,may mắn được cứu sống,nhưng phải đi ở mướn,nghỉ học từ lớp 3.

Năm 2015,Bảo tàng Hòa bình Hàn Quốc mời bà Thanh đến Hàn Quốc kể lại cuộc thảm sát cho chính những người Hàn Quốc nghe. Dịp này,nhiều luật sư bắt đầu quan tâm về vấn đề thảm sát và lập "Nhóm đặc trách làm sáng tỏ sự thật thảm sát thường dân Việt Nam của quân đội Hàn Quốc".

Tháng 4/2020,bà Thanh đại diện cho 74 nạn nhân vụ thảm sát Phong Nhị đệ đơn ra Tòa án Seoul,đòi chính phủ Hàn xin lỗi và bồi thường thiệt hại. Phiên tòa sơ thẩm diễn ra tháng 8/2022,đến tháng 2/2023 tòa Seoul phán quyết yêu cầu chính phủ Hàn Quốc bồi thường 30 triệu won cho bà Thanh. Một tháng sau,Bộ Quốc phòng Hàn Quốc kháng cáo.

Ngày 17/1/2025,Tòa án Trung tâm quận Seoul trong phiên phúc thẩm đã giữ nguyên phán quyết của tòa sơ thẩm,yêu cầu chính phủ Hàn Quốc bồi thường 30 triệu won (hơn 500 triệu đồng) và các khoản bồi thường thiệt hại do chậm trễ cho bà Thanh.

Quỹ Hòa bình Hàn - Việt thành lập tháng 9/2016,thuộc Ủy ban Nhân quyền quốc gia Hàn Quốc (NHRCK). Đây là tổ chức phi chính phủ,phi lợi nhuận,hoạt động với mục đích vì hòa bình để "Hàn Quốc và Việt Nam không trở thành cửa khẩu chiến tranh mà là tâm điểm hòa bình của Châu Á". Quỹ đang kế thừa và phát huy phong trào Xin lỗi Việt Nam vốn bắt đầu từ năm 1999.

Nguyễn Đông

Tuyên bố miễn trừ trách nhiệm: Bài viết này được sao chép từ các phương tiện khác. Mục đích của việc in lại là để truyền tải thêm thông tin. Điều đó không có nghĩa là trang web này đồng ý với quan điểm của nó và chịu trách nhiệm về tính xác thực của nó và không chịu bất kỳ trách nhiệm pháp lý nào. Tất cả tài nguyên trên trang web này được thu thập trên Internet. Mục đích chia sẻ chỉ dành cho việc học và tham khảo của mọi người. Nếu có vi phạm bản quyền hoặc sở hữu trí tuệ, vui lòng để lại tin nhắn cho chúng tôi.
© Bản quyền 2009-2020 Báo kinh tế việt nam      Liên lạc với chúng tôi   SiteMap